Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh nông sản nhập khẩu trên địa bàn huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương
Thực tế, vào mùa mưa sản lượng sản xuất rau, củ trên địa bàn giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thay đổi, để đáp ứng nhu cầu của thị trường các tiểu thương trên địa bàn huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương đã mua nông sản, chủ yếu là hành tây, khoai tây có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc từ đơn vị nhập khẩu hoặc mua qua các tiểu thương tại các tỉnh Lâm Đồng, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Các cơ sở kinh doanh đều cung cấp được tờ khai hải quan hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời cung cấp các hồ sơ, giấy từ liên quan đến chứng nhận kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, tờ khai hải quan liên quan đến mặt hàng Khoai tây nhập khẩu.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới 16 tổ chức, cá nhân kinh doanh nông sản có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, yêu cầu ký cam kết kinh doanh, buôn bán, không tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là việc giả mạo xuất xứ nông sản có nguồn gốc tại Đà Lạt. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng các đặc điểm nhận diện từng loại nông sản được trồng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là đối với mặt hàng Khoai tây, hướng dẫn cách phân biệt với các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, nâng cáo nhận thức, kỹ năng mua sắm, tiêu dùng cho người dân, tránh mua phải các mặt hàng giả xuất xứ, thương hiệu Đà Lạt.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng nông sản như: hành tây, cà rốt, cải thảo, khoai tây… . Rà soát, thống kê, nắm bắt các cơ sở kinh doanh Khoai tây nhập khẩu Trung Quốc trên địa bàn quản lý đã xuất bán cho các tỉnh, thành phố để báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổng Cục Quản lý thị trường.
Bên cạnh đó Đội Quản lý thị trường số 2 đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với việc dán tem đối với mặt hàng nông sản của tỉnh để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chỉ được sử dụng một lần/sản phẩm và được quản lý chặt chẽ trong việc in ấn, phát hành, tránh tình trạng lợi dụng tem nông sản của Đà Lạt dán lên các sản phẩm nông sản không phải của địa phương.